Ngoại hối của Việt Nam đang đối mặt với 4 hiểm họa là: Thâm hụt thương mại và thâm hụt tài khoản vãng lai ngày càng tăng; lạm phát gia tăng; hệ thống ngân hàng yếu kém và quan điểm siết chặt hơn về thanh toán với bên ngoài (tỷ lệ dự trữ/nhập khẩu).
Giáo sư Michel Henry Bouchet - chuyên gia Pháp có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực ngân hàng quốc tế đã nhấn mạnh điều này khi chia sẻ về những rủi ro đang tiềm ẩn, cũng như bình luận về thực trạng quản lý ngoại hối của Việt Nam.
Giáo sư Michel Henry Bouchet nêu rõ, những thách thức hiểm họa này cần được giải quyết đồng thời để củng cố niềm tin trong nước và nước ngoài vào triển vọng phát triển của Việt Nam. Hiện đang tồn tại quan điểm cho rằng thâm hụt thương mại 11 tỷ USD và thâm hụt tài khoản vãng lai khoảng 9 tỷ USD/năm (8% GDP) trong 5 năm tới có thể bù đắp bằng đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI). Tuy nhiên, Việt Nam đang phải cạnh tranh với các thị trường mới nổi khác trong huy động tài chính, vì thế, VN phải tiếp tục phát huy sức hấp dẫn và tính cạnh tranh cao để hấp dẫn du lịch, FDI và dòng tiền nóng, đồng thời ngăn chặn vốn chạy ra nước ngoài.
Nguy cơ lạm phát hai chữ số (hiện giờ là 14%/năm) sẽ làm lung lay lòng tin của cơ quan kinh tế trong nước và nước ngoài, dẫn đến "vòng xoáy" việc hạ điểm đánh giá, thắt chặt điều kiện cho vay, suy đoán tiền đồng tiếp tục mất giá, vốn chạy ra nước ngoài và nhập khẩu lạm phát.
Giáo sư Michel Henry Bouchet phân tích, muốn thoát khỏi tình trạng Đô la hóa, Việt Nam cần phải làm cho VND mạnh lên, nhưng để làm cho VND mạnh không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà là vấn đề lòng tin lâu dài vào triển vọng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Điều này đòi hỏi việc ngăn chặn dòng vốn chạy ra nước ngoài, giảm thâm hụt thương mại, tăng dự trữ, song song với phát triển thị trường vốn trong nước (vẫn còn khiêm tốn so với các chuẩn mực khu vực).
Để VND mang tính cạnh tranh (kích thích xuất khẩu và thu hút dòng vốn), việc giảm tỷ giá quy đổi không có ý nghĩa nhiều nếu tỷ giá hối đoái thực tế không mang tính cạnh tranh hơn. Việt Nam còn phải đối mặt với thách thức là xuất khẩu dựa trên nhập khẩu (ví dụ, máy móc và thiết bị, sắt thép cũng như các thành phẩm). Vì thế xuất khẩu thường tăng song song với nhập khẩu.
Giáo sư Michel Henry Bouchet nêu rõ, kể từ cuối năm 2009, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hạ tỷ giá tiền đồng 20% so với USD. Vấn đề đầu tiên là việc hạ tỷ giá này không hoàn toàn bù lại được chênh lệch giá giữa Việt Nam và các đối tác thương mại chính. Vấn đề thứ hai là việc sử dụng USD để quy chiếu một cách "ồ ạt" không phù hợp với thị phần khiêm tốn của Mỹ trong tổng giá thị thương mại Việt Nam (chỉ có 20%, trong khi khu vực đồng Euro chiếm tối thiểu 25% giá trị xuất khẩu phi đầu mỏ). Vì thế, việc quản lý tỷ giá hối đoái nên linh hoạt hơn, phản ánh tình hình tiền tệ của các đối tác thương mại, để tỷ giá hối đoái trở nên thực chất và hiệu quả.
Theo ông Kim Eng Tan, một chuyên gia thuộc S&P Singapore, sự ổn định kinh tế của Việt Nam phụ thuộc vào khả năng kiềm chế đà tăng trưởng tín dụng của chính phủ, và còn quá sớm để khẳng định tình hình kinh tế Việt Nam đã được cải thiện.
Thực tế năm 2011, Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách mạnh tay nhằm chấn chỉnh những lệch lạc của thị trường tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô và đưa ra mục tiêu tăng trưởng thận trọng, thiên về mục tiêu tăng trưởng theo chất lượng và bền vững.
Cụ thể, Việt Nam đã hạ mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 23% xuống còn 20% và yêu cầu thắt chặt tiền tệ hơn nữa do giá điện và nhiên liệu đồng loạt tăng làm tăng sức ép lạm phát. Trong khi đó Ngân hàng Nhà nước cũng nâng lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu và nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc USD.
Tuy nhiên, lạm phát tháng 3/2011 của Việt Nam vẫn là 13,98%, cao nhất trong 25 tháng. Trong khi đó, thâm hụt thương mại leo lên 1,15 tỷ USD, từ mức 1,11 tỷ USD trong tháng 2. Chính CPI tăng nhanh nhất trong khu vực cùng với thâm hụt thương mại kéo dài đã tác động xấu đến sự ổn định tài chính của Việt Nam.
Hiện các dự báo về chỉ số CPI của Việt Nam được các tổ chức tài chính đưa ra hết sức "dè dặt". Bên cạnh đó, mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2011 cũng được Chính phủ không đặt mục tiêu quyết liệt như các năm, mà hướng vào ổn định kinh tế vĩ mô.
Điều này được nhiều nhà nghiên cứu nhận định, Việt Nam đang thay đổi chính sách nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng theo chiều sâu và với quyết tâm chính trị rất cao trong điều hành kinh tế...